Vỡ mộng làm giàu với app 'giật đơn' PChome

Chị Hoa dồn hết tiền chữa ung thư cho con gái 19 tháng tuổi và vay thêm ngân hàng 30 triệu đồng để nạp vào ứng dụng PChome nhưng mất sạch.

Mấy ngày nay, chị Hoa cùng hơn 500 người trên khắp các tỉnh, thành đang ráo riết nộp đơn tố cáo cho rằng app PChome có hành vi lừa đảo. Số tiền tự thống kê của các nạn nhân hơn 70 tỷ đồng.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông lâm ở TP HCM, chị Hoa không xin được việc nên về quê nhà ở một huyện phía tây nam tỉnh Gia Lai lấy chồng, sinh con. Con gái thứ hai của chị hiện được một tuổi rưỡi, phát hiện bị ung thư từ khi bảy tháng tuổi. Giữa tháng ba, một người bạn cũ giới thiệu đến với PChome để kiếm tiền chăm con.

Chị kể, người bạn nói "PChome Online mua sắm toàn cầu là một app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử lớn để nhận hoa hồng". Người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói từ 350.000 đồng đến 200 triệu đồng. Mỗi ngày sẽ được "giật đơn" 40 lần (nghĩa là quay số để mở đơn hàng) và lập tức tiền hoa hồng từ các đơn hàng sẽ chảy về tài khoản với tỷ lệ 3,5%. Sau một tháng, nhà đầu tư sẽ được nhân đôi tài khoản.

Quảng cáo hấp dẫn của PChrome.
Qua vài ngày tìm hiểu, chị Hoa đầu tư mức tối thiểu 350.000 đồng. Sau khi tải app về, chị đăng ký tài khoản bằng số điện thoại cá nhân và lập tức được một người tự giới thiệu là trưởng nhóm gọi điện hướng dẫn cách sử dụng. Chị sau đó được đưa vào một nhóm chat trên Zalo để hoạt động.

Ngày nào cũng hơn chục lần, chị và bốn trưởng nhóm trao đổi với nhau về mọi vấn đề. "Họ rất nhiệt tình, hướng dẫn nhà đầu tư chi tiết cách nạp tiền, rút tiền và giật đơn sao để có lợi nhuận cao nhất. Nhưng sau rồi nghĩ lại, tôi thấy mục đích chính của họ chỉ là để câu người chơi nạp nhiều tiền nhất có thể", chị kể.

Cũng nghi là ứng dụng lừa đảo và có thể sập bất cứ lúc nào nhưng chị Hoa thấy nhiều người vẫn kiếm được nên bị cuốn theo. Đầu tháng 4, chị thấy app đưa ra nhiều khuyến mại hấp dẫn như nhân đôi số tiền nạp, tăng 20 lần giật đơn. Quyết định tất tay làm "mẻ cá lớn" trước khi rút, chị Hoa vay ngân hàng chính sách 30 triệu đồng và nạp hết số tiền này. Đây cũng là lần nạp nhiều nhất của chị.

Tổng cộng chị Hoa đã nạp 94 triệu đồng để giật đơn và nếu rút tiền thành công sẽ thu về hơn 158 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Thế nhưng chuẩn bị đến ngày rút tiền thì ứng dụng có dấu hiệu biến mất, mọi lệnh rút bị ngưng trệ với lý do "lỗi hệ thống".

Ngày 17/4, PChome chính thức sập. Chị Hoa ôm hai con gái 5 tuổi và một tuổi rưỡi khóc suốt đêm nhưng không dám thú nhận với chồng. Chị sợ bị trách mắng và thêm gánh nặng cho gia đình. "Trong số 94 triệu đồng bị mất, có 14 triệu em gái gửi chơi chung, 30 triệu vay lãi của ngân hàng và số còn lại là tiền mọi người quyên góp cho gia đình để chữa bệnh cho cháu. Vậy là mất sạch", chị cho biết.

Gần một tháng qua, chị Hoa khóc suốt nhiều đêm và nộp đơn đi khắp nơi cầu cứu với hy vọng vớt vát lại được chút tiền trả nợ ngân hàng và chữa bệnh cho con gái. Chị Hoa chua xót bảo: "Tôi có thể rút sớm hơn để bảo toàn số tiền nhưng do quá tham vọng đến mù quáng. Chỉ vì thất nghiệp và muốn có tiền chữa bệnh cho con nên làm liều".

Cũng là người thất nghiệp như chị Hoa, đầu tháng 3, chị Vân ở Hải Phòng, được một người bạn giới thiệu đến PChome. Ngày 14/3, chị cùng bốn người bạn bắt đầu dồn tiền nạp vào ứng dụng để "giật đơn". Thấy chỉ mất chút thời gian mà lại kiếm được tiền triệu mỗi ngày, chị Vân càng ham.

Sau gần một tháng hoạt động, nhóm chị Vân được công nhận là "khách VIP" và được gửi giấy mời tham dự sự kiện ở một khách sạn lớn tại Hà Nội vào cuối tháng. "Thấy giấy mời có thông tin, địa chỉ rõ ràng nên chúng tôi tin ngay. Không ngờ đây là những chiêu trò để vơ vét cuối cùng của nhóm lừa đảo", chị Vân nói.

Tính đến thời điểm app "sập", nhóm của chị Vân đổ vào đó hơn 1,2 tỷ đồng. Nhóm đã làm đơn trình báo công an nhưng vẫn lo sợ người thân biết chuyện, chê cười.
Hình ảnh một lần giao dịch của PChrome.

Là trưởng nhóm đứng đơn tố cáo, anh Huy cho hay app PChome không có sẵn trên Apple store hay CH Play. Người dùng muốn cài app phải truy cập đường link do bạn bè giới thiệu và đăng ký bằng số điện thoại di động.

Người chơi nạp tiền vào ứng dụng bằng cách chuyển khoản qua 10 tài khoản ngân hàng mà nhóm admin cung cấp. Chỉ vài phút sau, tài khoản trên ứng dụng PChome của người chơi sẽ "nổ" tiền. Chủ tài khoản sau đó dùng tiền trong ứng dụng để quay 40 đơn hàng mỗi ngày.

"Mỗi lần "giật đơn" người dùng sẽ được hưởng hoa hồng trên tổng giá trị đơn hàng quay được và đặc biệt không bị trừ tiền vào tài khoản gốc mà chỉ có cộng thêm. Giá trị hàng càng lớn thì % người dùng nhận về càng nhiều. Việc quay được đơn hàng giá trị lớn hay ít phụ thuộc vào số tiền trong tài khoản", anh nói.

Sau khi tiền hoa hồng đổ về tài khoản trên ứng dụng, anh Huy có thể rút về tài khoản ngân hàng đã đăng ký ban đầu hoặc là giữ nguyên để cộng dồn vào tài khoản gốc. Mỗi lần rút tiền sẽ bị mất phí 3%.

Theo anh Huy, một việc đơn giản nữa là lôi kéo thêm nhiều người tham gia để "ngồi chơi hưởng hoa hồng". Anh sẽ nhận ngay 60.000 đồng sau khi mời được một người mới tham gia PChome. Ngoài ra, anh Huy còn được hưởng thêm phần trăm từ giá trị đơn hàng người đó quay được.

"Bởi vậy mời được càng nhiều người tham gia, người chơi sẽ kiếm được càng nhiều tiền. Đây là một hình thức y xì đa cấp. Tuy nhiên, nó có một điểm hơi khác là mọi giao dịch đều qua online chứ không gặp trực tiếp như đa cấp truyền thống", anh Huy nói.

Theo nhiều người chơi, PChome hoạt động từ tháng 12/2020 và là một ứng dụng tồn tại lâu nhất so với các app kiếm tiền online khác. Thời gian đầu, PChome chi trả tiền hoa hồng bình thường nhưng đến ngày 14/4, ứng dụng bắt đầu ngưng thanh khoản. Ba ngày sau, PChome đưa ra ưu đãi hấp dẫn là nhân đôi tiền nạp để khuyến khích các nhà đầu tư nạp thêm tiền.

Khi người dùng thắc mắc về việc không rút được tiền, admin giải thích đang "báo danh đại hội và kiểm kê tài sản, sàng lọc chọn ra thành viên cấp cao". Ngày 17/4, ứng dụng chính thức "sập" với lý do được giải thích là "người truy cập quá nhiều". Người chơi lúc này còn được các admin đề nghị nạp tiếp 30% tổng giá trị số tiền đang có trong tài khoản để khôi phục ứng dụng. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, người chơi lập tức dừng giao dịch. Các admin dần biến mất sau đó.

Ngày 13/5, đại diện Cục Cảnh sát hình sự và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã nhận được đơn của nhiều nạn nhân và đã chuyển đến công an các địa phương để điều tra theo thẩm quyền.

Công an TP HCM cũng đang điều tra theo đơn tố cáo lừa đảo với hai app Coolcat và Busstrade. Cảnh sát nhận định thủ đoạn của Coolcat là kêu gọi nộp tiền đầu tư, hưởng lãi cao, dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn. Tội phạm an ninh mạng rất phức tạp nên cần thời gian để xác minh.

* Tên các nạn nhân đã thay đổi.


-Nguồn: Vnexpress-


Đăng nhận xét

Để Lại Đánh Giá ↓

//]]> Light Grey Pointer