Giới trẻ đất nước đông dân nhất thế giới ngầm đặt ra tiêu chuẩn "đàn ông cao dưới 1m60 là tật nguyền. Từ 1m80 trở lên mới được gọi là bình thường".
Có một câu nói tếu phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc: Nếu một người đàn ông cao trên 1m80, một ngày nào đó anh ta có thể quên mọi thứ, thậm chí cả tên mình nhưng chiều cao thì không bao giờ.
Người Trung Quốc ngày càng cao. Thế hệ sinh sau năm 2000 hiện có chiều cao trung bình 1m75 - đứng đầu vùng Đông Á, nhưng với nhiều người trẻ, điều đó vẫn chưa đủ. Trừ khi vượt qua 1m80, nếu không họ vẫn tự nhận mình không đủ chuẩn.
Giới trẻ đất nước tỷ dân thường tự ti về vóc dáng, nhưng theo Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã thống kê năm 2013, gần 56% nam thanh niên thành thị từ 20-25 tuổi cao từ 1m75-1m80.
Gần 56% nam thanh niên thành thị Trung Quốc từ 20-25 tuổi cao từ 1m75-1m8. Ảnh: Sixth Tone
30 năm qua, chiều cao trung bình của nam thanh niên 19 tuổi tại nước này đã tăng 7,5 cm, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu sức khỏe NCD Risk Factor Collaboration, xếp hạng về chiều cao của nam giới Trung Quốc đã tăng từ vị trí 150 lên thứ 65 vào năm 2019.
Dù thực tế rất tích cực, nhưng nhiều thanh niên chưa đạt được chiều cao lý tưởng mà giới trẻ nước này ngầm đặt ra. Ở thị trường hẹn hò Trung Quốc, cao là một lợi thế. Bạn càng cao thì sẽ càng nổi bật, đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Dữ liệu từ nền tảng hẹn hò HIMMR cho thấy, những người cao từ 1m80-1m90 có tỷ lệ được đối phương lựa chọn cao nhất. Với những người sinh sau năm 1995, chiều cao thậm chí được phụ nữ đánh giá cao hơn cả tài chính cá nhân, gia cảnh hay trình độ học vấn. Với nhiều cô gái ở tuổi hẹn hò, 1m80 là con số thấp nhất họ có thể chấp nhận được với bạn khác giới.
Trong một phân tích về 50 câu trả lời được yêu thích nhất cho câu hỏi: "Nam giới cao 1m70 trở xuống sẽ như thế nào?". Guyu Data nhận thấy rằng những lời chế nhạo phổ biến nhất mà những người đàn ông thấp bé gặp phải từ bạn bè khác giới là: "Con trai cao dưới 1m6 là tật nguyền"; "Nam giới cao 1m72 và 1m75 thuộc về hai loài khác nhau"; "Chà, bạn lùn quá. Bạn có chơi bóng rổ để phát triển chiều cao không?"; "Đừng mặc áo khoác dài. Trông bạn sẽ giống như đang mặc quần áo của cha mẹ mình vậy ".
Nhiều người có chiều cao "dưới chuẩn" khi đọc những bình luận này nói rằng: "Người tàn tật và người lùn vẫn bị đem ra làm trò cười trên tivi. Tôi cảm thấy buồn, trái tim như thắt lại".
Phân biệt đối xử chiều cao ảnh hưởng khá lớn đến nghề nghiệp tại Trung Quốc. Ảnh: myfrugalbusiness
Sự phân biệt đối xử dựa trên chiều cao đã có lịch sử lâu đời, thậm chí ngày nay người ta thường gắn chiều cao với các yếu tố như sức hút cá nhân, sự xuất sắc, thậm chí là cả khả năng lãnh đạo.
Nhà văn người Mỹ Malcolm Gladwell đã tính toán, trong những điều kiện có kiểm soát, cứ mỗi inch (2,54 cm) chiều cao tăng lên, lương hàng năm của một người sẽ tăng thêm 789 USD.
Cho dù trong tình yêu, công việc hay tình bạn, sự phân biệt chiều cao đã thấm nhuần vào tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của những người đàn ông thấp bé. Một số người trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đã chế giễu hiện tượng cực đoan này, nói rằng: "Chỉ những người cao từ 1m80 trở lên mới xứng đáng được gọi là đàn ông bình thường".
-Nguồn: Vnexpress, Vy Trang (Theo Sixth Tone)-
Đăng nhận xét